BÀI HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ THÀNH CÔNG CHO DOANH NGHIỆP. NGUYÊN NHÂN THẤT BẠI ĐẾN TỪ ĐÂU ?

Bài học chuyển đổi số thành công - 10 nguyên nhân thất bại mà doanh nghiệp đang gặp phải

10 nguyên nhân thất bại khi chuyển đổi số của doanh nghiệp

Trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, chuyển đổi số đã là trọng tâm hàng đầu của nhiều CEO trong chiến lược phát triển doanh nghiệp. Với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ tiên tiến, mọi tổ chức cần phải trải qua quá trình chuyển đổi số và rất có thể, phải chuyển đổi nhiều lần để luôn phù hợp và cạnh tranh.

Covid-19 đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và gửi một thông điệp rõ ràng rằng, chuyển đổi số chưa bao giờ cấp bách hơn thế. Tuy nhiên, trước khi bạn có thể gặt hái được những lợi ích của việc chuyển đổi số, bạn phải khiến khách hàng và nhân viên của mình có thể thích ứng với sự thay đổi này và đây là một thách thức đáng kể trong quá trình chuyển đổi số.

Như bạn đã biết, công nghệ hiện đã ăn sâu vào thói quen của đại đa số người dân, vì thế các doanh nghiệp muốn phát triển vững mạnh phải đáp ứng được các kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng. Việc nhanh chóng tham gia vào “guồng quay” chuyển đổi số của doanh nghiệp bây giờ là rất cần thiết. Nhưng trước hết, hãy cùng tìm hiểu các nguyên nhân thất bại mà doanh nghiệp có thể gặp phải khi thực hiện công tác chuyển đổi số, từ đó giúp doanh nghiệp đưa ra bài học và rút ngắn được quá trình thành công cho chính mình.


10 nguyên nhân thất bại mà doanh nghiệp đang gặp phải

1. Thiếu quyết tâm và kiên trì

Quyết tâm và kiên trì luôn là yếu tố quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp. Đặc biệt là trong công tác chuyển đổi số, lòng quyết tâm và kiên trì của ban lãnh đạo và toàn bộ nhân viên sẽ là một trong các yếu tố quyết định mang đến sự thành công cho doanh nghiệp.

Việc tham gia vào công cuộc cách mạng hoá toàn dân không phải hành trình dễ dàng đối với tất cả các doanh nghiệp, tổ chức nhưng phần thưởng đạt được rất xứng đáng. Khó khăn gặp phải là rất nhiều - vì thế, nếu sự quyết tâm và kiên trì từ ban lãnh đạo bị lung lay thì doanh nghiệp rất dễ “bước chân” vào con đường thất bại.

Một ví dụ điển hình về sự kiên trì trong hoạt động chuyển đổi số trên thế giới:

Những lãnh đạo tòa soạn New York Times từ sớm đã nhìn thấy ở Internet tiềm năng to lớn trong việc phát huy giá trị cốt lõi của tòa soạn là mang đến những câu chuyện theo tiêu chuẩn báo chí cao nhất đến với độc giả toàn thế giới. Sau nhiều năm kiên trì đi theo con đường riêng với trọng tâm ưu tiên phát triển doanh thu số, những nỗ lực của các nhà lãnh đạo New York Times đã được đền đáp khi tòa soạn này hiện duy trì vị trí tòa soạn danh giá nhất với 120 giải Pulitzer và đồng thời cũng là tòa soạn có tỉ lệ phóng viên biết lập trình cao nhất trong làng báo.

2. Thiếu chiến lược khách hàng

Chuyển đổi số là hoạt động phát triển đầu tư mà các doanh nghiệp đang hướng đến - mục tiêu cuối cùng của việc đầu tư chính là tăng trưởng và lợi nhuận. Khách hàng là nhân tố chính giúp doanh nghiệp đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai. Vì lẽ đó, quá trình chuyển đổi số phải đặt khách hàng làm trọng tâm.

Bên cạnh việc xem khách hàng là trọng tâm, để quá trình giúp doanh nghiệp chuyển đổi số thành công không chỉ nằm ở công nghệ thông minh, mà còn cả yếu tố chuyển đổi về con người, về tư duy và về văn hóa của một doanh nghiệp, tổ chức. Khách hàng vừa là nhân tố thúc đẩy chuyển đổi, vừa là mục tiêu của quá trình chuyển đổi.

3. Thiếu ngân sách

Ngân sách triển khai luôn là điều mà các doanh nghiệp / tổ chức quan tâm khi tham gia quá trình chuyển đổi số. Đặc biệt, sau 2 năm đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp SMEs, tổ chức càng cân nhắc trong việc sử dụng ngân sách của doanh nghiệp.

Thiếu ngân sách khi triển khai chuyển đổi số

Phần lớn các doanh nghiệp hiện nay, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) vẫn còn ngại ngùng trong quá trình chuyển đổi số, với lý do chính là vấn đề tài chính và sự am hiểu về công nghệ của các ban lãnh đạo - người đứng đầu doanh nghiệp. Phần còn lại là doanh nghiệp chưa thấy cần thiết hoặc còn nhầm lẫn giữa số hóa với chuyển đổi số.

Bạn có thể chia nhỏ giai đoạn chuyển đổi và sử dụng nền tảng chuyển đổi số tinh gọn giúp doanh nghiệp từng bước triển khai và tiết kiệm được ngân sách hiệu quả.

4. Thiếu đồng tình, phối hợp ở các bộ phận

Khi con người đứng trước một sự thay đổi đột ngột, những nỗi lo sợ và bất an vô hình vì những rủi ro có thể gặp phải được hình thành như một “lẽ tự nhiên”. Họ ngại phải học thêm việc sử dụng công cụ mới và thay đổi thói quen làm việc của mình. Vì thế, những yếu tố mới, công cụ mới thường không dễ được được đón tiếp đối với nhân viên ở các phòng ban. Đây là rào cản lớn liên quan đến con người khi bắt đầu chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

5. Mục tiêu không rõ ràng, ôm đồm nhiều việc

Xây dựng mục tiêu là yếu tố quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số. Mỗi doanh nghiệp sẽ có hiện trạng, vấn đề, con người, nguồn lực, tiền bạc và thời gian khác nhau hoàn toàn. Do đó, việc lựa chọn mục tiêu rất quan trọng - mục tiêu phải phù hợp với khả năng của doanh nghiệp. Nếu không doanh nghiệp sẽ thất bại ngay từ giai đoạn bắt đầu triển khai quá trình chuyển đổi.

Các doanh nghiệp thông thường mong muốn chuyển đổi số nhanh chóng và một lần duy nhất. Tuy nhiên, việc ôm đồm và triển khai cùng lúc nhiều mục tiêu sẽ tạo ra nhiều khó khăn, không biết bắt đầu từ đâu và khả năng thất bại là rất lớn. Bạn có thể chia nhỏ các mục tiêu chuyển đổi số để thực hiện từng bước - đi bước nào chắc bước đó - đảm bảo hoàn thành và thành công từng mục tiêu nhỏ, để hoàn thành mục tiêu lớn hơn.

Bạn có thể tham khảo 5 bước lớn trong việc xây dựng mục tiêu chuyển đổi số sau đây:

  1. Nhận thức

  2. Lên kế hoạch

  3. Số hoá dữ liệu (quá trình khám phá)

  4. Số hoá quy trình (quá trình sáng tạo)

  5. Chuyển đối số (quá trình chuyển đổi số)


5 bước lớn trong việc xây dựng mục tiêu chuyển đổi số

6. Quy trình, thói quen khó thay đổi / hay thay đổi

Như đã đề cập về thói quen của con người, những nỗi lo sợ về thay đổi thói quen luôn tồn tại. Ban lãnh đạo của một doanh nghiệp cũng thế, việc thay đổi quy trình và thói quen của doanh nghiệp cũng là vấn đề khó khăn đối với họ. Một quy trình và thói quen đã được vận hành nhiều năm liền phải thay đổi, phải chuyển đổi công cụ quản lý, sửa đổi những việc quen thuộc để phù hợp với quá trình chuyển đổi số thì quả là một vấn đề nan giải của các doanh nghiệp hiện tại.

7. Data rác, trùng lặp

Như bạn đã biết, việc thu thập thông tin khách hàng ngày nay không còn khó khăn như trước, mọi thứ diễn ra trên không gian mạng và thực hiện rất nhanh chóng. Rất nhiều data khách hàng được doanh nghiệp thu thập, nhưng khó khăn gặp phải là rất nhiều data trùng, data rác. Một cá nhân có thể được lấy thông tin từ nhiều nguồn khác nhau dẫn đến việc trùng lặp. Vậy, nếu số lượng này nhân lên nhiều lần thì số lượng data trùng, data rác là nhiều vô số kể, trong khi đó, data về khách hàng tiềm năng là rất ít. Điều này dẫn đến việc tiếp thị và chăm sóc khách hàng đáng kể - nhiều tin nhắn sms, zalo, email được gửi đi nhưng tỉ lệ chuyển đổi rất thấp và ngân sách cho việc này cùng tăng lên tương ứng.

Vậy làm cách nào để doanh nghiệp giảm được ngân sách trong việc tiếp thị nhưng tỉ lệ chuyển đổi lại tăng lên - đơn giản là bạn cần bộ lọc cho data của khách hàng. Lọc những data trùng, loại bỏ data rác - từ đó giới hạn được số lượng khách hàng cần tiếp thị và xác định đúng tệp khách hàng cần chăm sóc. Từ đó, hiệu quả tiếp thị và tỉ lệ chuyển đổi sẽ được nâng cao, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được lượng ngân sách đáng kể cho việc tiếp cận khách hàng.

8. Không thể tích hợp các hệ thống

Việc tích hợp là điều rất quan trọng mà doanh nghiệp cần quan tâm khi sử dụng hệ thống CRM. Lí do là vì sao? Sau khi đã triển khai thành công tại một thời điểm nhất định và trong tương lai có nhu cầu tích hợp các giải pháp khác như giải pháp chăm sóc khách hàng, giải pháp bán hàng, giải pháp tổng đài bán hàng,... Vậy nếu không có khả năng tích hợp thì sẽ như thế nào? Doanh nghiệp phải xây dựng lại từ đầu hay tìm kiếm các giải pháp khác - điều này làm tốn rất nhiều chi phí và thời gian của doanh nghiệp, đó là lí do vì sao nó rất quan trọng.

API-ket-noi-giai-phap

Khả năng tích hợp của hệ thống

Hãy ưu tiên các giải pháp có khả năng tích hợp mạnh mẽ, khi bạn muốn tích hợp thêm các tính năng của giải pháp khác - việc của bạn chỉ cần tích hợp chúng và sử dụng, điều này sẽ tiết kiệm thời gian đáng kể và không phải thay đổi hệ thống sử dụng cho nhân viên và cả ban lãnh đạo. 

9. Không có thời gian

Tiền và thời gian luôn là vấn đề của mọi doanh nghiệp. Các doanh nghiệp / tổ chức luôn mong muốn sử dụng và triển khai giải pháp chuyển đổi số ngay lập tức hoặc trong thời gian ngắn để tiết kiệm được thời gian và đạt hiệu quả nhanh nhất. Tuy nhiên, mỗi ngành nghề và mỗi doanh nghiệp đều có các vấn đề khác nhau, góc nhìn khác nhau và chiến lược khác nhau - vì thế, giải pháp chuyển đổi số phù hợp cho từng doanh nghiệp cần có thời gian để xây dựng. Việc gấp gáp để tạo ra cả một hệ thống có thể sẽ phù hợp ở nhu cầu cơ bản, nhưng khi các nhu cầu phát sinh và riêng biệt hơn xuất hiện, thì nhu cầu tuỳ chỉnh của doanh nghiệp cũng bắt đầu.

Với giải pháp chuyển đổi số có đầy đủ các giải pháp tiêu chuẩn giúp doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí và thời gian - có thể sử dụng vào doanh nghiệp nhanh hơn. Tuy nhiên, vì là bản tiêu chuẩn nên sẽ không thể phù hợp hoàn toàn với doanh nghiệp, chưa có các tính năng mà chủ doanh nghiệp hay ban lãnh đạo mong muốn để phù hợp với chiến lược và mục tiêu hướng đến. Hãy xem thêm giải pháp CRM theo ngành hay giải pháp CRM tùy chỉnh giúp xây dựng hệ thống hoàn chỉnh, chuyên sâu phù hợp theo yêu cầu của doanh nghiệp.

10. Không có con người phù hợp

Con người phù hợp ở đây là như thế nào? Với bài toán chuyển đổi số - doanh nghiệp sẽ cần con người số với các kỹ năng số. Con người cần có tư duy số về hệ thống và chiến lược cùng với các kỹ năng cần thiết như sử dụng các mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok, Instagram…),chạy quảng cáo trên các công cụ hiện có, gửi email hàng loạt cho khách hàng... Doanh nghiệp có thể cho nhân viên của mình tham dự các buổi đào tạo về tư duy và công cụ cần thiết, nếu sau đó vẫn chưa phù hợp thì nhân viên đó chưa phù hợp trong quá trình chuyển đổi số.

Sẵn sàng tham gia vào “cuộc chơi” chuyển đổi số

Chuyển đổi số là hành trình dài - không phải quá trình dễ dàng và không có công thức chung cho tất cả các doanh nghiệp / ngành nghề. Hãy thường xuyên kiểm tra và đánh giá trong quá trình chuyển đổi số, từ đó thực hiện việc điều chỉnh và cải tiến phù hợp. Và bây giờ, bạn đã biết những nguyên nhân gây nên thất bại trong quá trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hãy tham khảo và thay đổi từng vấn đề một cách chắc chắn. Hãy nhớ, đừng ôm đồm và thực hiện nhiều việc cùng lúc, triển khai từng bước một và đảm bảo bạn đã thành công. Enmasys sẵn sàng tiếp đón bạn đến cuộc đua chuyển đổi số này!

Đăng nhập to leave a comment
TIPS QUẢN LÝ KHO HÀNG TRONG LOGISTICS HIỆU QUẢ