Chuỗi cung ứng 4.0 với ngành hàng tiêu dùng.

Thế giới đang phát triển không ngừng, không nằm ngoài xu hướng, chuỗi cung ứng của ngành hàng tiêu dùng cũng xuất hiện những ảnh hưởng và thay đổi ở các phạm vi, mức độ khác nhau.

Tầm nhìn tương lai

Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang tác động đến mọi mặt của cuộc sống và qua đó mở ra các cơ hội và thách thức đối với các quốc gia trên thế giới ở các phạm vi khác nhau.

CMCN 4.0 được nhắc đến là các hệ thống công nghệ thông tin hiện đại ví dụ như Cyber-Physical Systems (CPS), Internet kết nối vạn vật (Internet of Things – IoT) và các hệ thống điện toán đám mây (Cloud Computing). Thông qua sự hỗ trợ của các hệ thống nêu trên, tự động hoá và trao đổi dữ liệu trong việc kinh doanh trong nền kinh tế được thúc đẩy. CMCN 4.0 không chỉ là nâng cao về công nghệ và công cụ mới để cải thiện hiệu quả sản xuất, mà còn hướng đến sự đổi mới hoàn toàn về phương thức vận hành và mô hình kinh doanh của các công ty nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.


Các chuỗi cung ứng cũng không nằm ngoài xu hướng này, để “sống sót” trong thời kỳ “cá nhanh nuốt cá chậm” như hiện nay, các chủ thể trong chuỗi cung ứng cần phải áp dụng các công nghệ một cách nhanh nhẹn và chính xác hơn:


Chuỗi cung ứng 4.0 có khả năng gì?

Việc số hóa và chuyển đổi số chuỗi cung ứng cho phép các doanh nghiệp hiện nay giải quyết các bài toán mới của khách hàng, những khó khăn từ phía cung ứng và những kỳ vọng trong việc cải thiện hiệu suất, hiệu năng công việc. Và điều này đã dẫn đến một khái niệm mới, đó là “chuỗi cung ứng 4.0” và khái niệm này đã mở ra muôn vàn lợi ích cho các đối tượng bên trong bao gồm:

Gia tăng tốc độ cung ứng

Các phương thức cung ứng mới giảm thời gian giao hàng xuống bằng nhiều cách thức khác nhau.Một trong những phương pháp đã và đang được áp dụng hiện nay là dự đoán số lượng đơn hàng. Ví dụ: phân tích tương lai dữ liệu bên trong (khả năng cung ứng) và bên ngoài (xu hướng thị trường, tính chất mùa vụ, …). Hơn nữa, việc dự báo được thực hiện không chỉ ở tần suất hàng tháng, mà được thực hiện cả hàng tuần hoặc hàng ngày cho các sản phẩm hàng tiêu dùng (có mức độ tăng trưởng nhanh và cần cập nhật liên tục), việc mà con người bằng các phương pháp thủ công khó có thể thực hiện được.

Gia tăng tính linh hoạt

Kế hoạch có thể được hoạch định và thay đổi liên tục nhờ trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) theo thời gian thực (real-time) cho phép các nhà hoạch định xử lý linh hoạt với các thay đổi của nội tại doanh nghiệp cũng như yếu tố bên ngoài. Qua đó có thể giảm thiểu chu kỳ lập kế hoạch một cách thủ công và thời gian “chết” trong sản xuất. Thậm chí, ngay cả trong quá trình vận chuyển hàng cho khách, chuỗi cung ứng 4.0 có khả năng cho phép khách hàng định tuyến lại chuyến hàng để đem lại những trải nghiệm ấn tượng nhất và khắc phục được những hạn chế của các hình thức truyền thống.

Gia tăng sự chính xác

Các giải pháp công nghệ đề cao sự chính xác cho việc quản lý chuỗi cung ứng 4.0 khi cung cấp liên tục sự minh bạch đầu cuối (end-to-end) trong toàn bộ các mắt xích bên trong thông qua các thông tin theo thời gian thực.

Ngoài ra, hệ thống này có khả năng “học” cách tự động xác định và xử lý các rủi ro hoặc ngoại lệ thông qua trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (Machine Learning – ML). Điều này cho phép chuỗi cung ứng 4.0 tự động xử lý chính xác các trường hợp phát sinh và giảm thiểu sự can thiệp của yếu tố con người.

Gia tăng hiệu suất xử lý

Việc công nghệ hỗ trợ tự động hóa (Automation) các nhiệm vụ và kế hoạch giúp gia tăng hiệu quả cho các nhà thiết kế, vận hành và quản lý chuỗi cung ứng trong nhiều các tác vụ khác nhau.

Tại các doanh nghiệp hàng tiêu dùng, robot có khả năng thực hiện công việc quản lý kho hàng từ nhập, xuất, đóng gói và vận chuyển. Thêm nữa, xe tải tự lái vận chuyển sản phẩm đến mạng lưới chuỗi cung ứng. Trong tương lai, máy móc có thể thay thế phần lớn công việc hiện nay đang được đảm nhận bởi con người để gia tăng hiệu suất xử lý công việc.

6 yếu tố đòn bẩy cho chuỗi cung ứng ngành hàng tiêu dùng

Cuộc CMCN 4.0 có ảnh hưởng toàn diện đến các mặt khác nhau của hoạt động quản lý chuỗi cung ứng của ngành hàng tiêu dùng. Những sự đổi mới này sẽ làm biến đổi các chiến lược dịch vụ, cơ cấu chi phí và vốn của doanh nghiệp thông qua sự tinh gọn trong bộ máy và cách thức vận hành hiện nay như được diễn tả ở hình 3 dưới đây:


  • Hoạch định: Việc hoạch định dựa trên nguồn dữ liệu khổng lồ được tổng hợp thông qua Dữ liệu lớn (Big Data), AI & ML và rất nhiều biến số được thu thập dựa trên các cảm biến (IoT) và phân tích dựa theo các yêu cầu; qua đó giúp doanh nghiệp hoạch định và có được dự báo về nhu cầu một cách liên tục và linh hoạt. Trong ngành hàng tiêu dùng hiện nay, đã có một số tập đoàn áp dụng các phương pháp lập kế hoạch tiên tiến và có thể thấy rằng hiện đang có làn sóng mạnh mẽ việc áp dụng và triển khai mô hình phương pháp này.
  • Quy trình nguyên liệu – thành phẩm: Các công nghệ hiện đại như robot tự động hoá, xe tự hành, … đã đưa việc quản trị kho và hàng hoá trong quy trình sản xuất lên một tầm cao mới. Việc này làm giảm đáng kể chi phí vận hành và xử lý các sản phẩm trong kho, đồng thời tối ưu hoá thời gian vận chuyển.
  • Quản lý hiệu suất: Bảng tổng hợp thông tin được hình tượng hoá – Dashboard – được tạo nên thông qua các phần mềm và cảm biến tự động giảm thiểu tác động của nhân lực và cập nhật liên tục các thông số về hiệu suất theo thời gian thực. Qua đó, quản lý hiệu suất sẽ được xử lý theo thời gian thực chứ không theo tần suất hàng tháng hoặc hàng quý như cách truyền thống triển khai.
  • Quản lý đơn hàng: Tối ưu việc quản lý đơn hàng khiến doanh nghiệp giảm chi phí vận hành (thông qua việc tăng cường tự động hóa), gia tăng độ tin cậy của khách hàng và các đối tác (thông qua phản hồi chi tiết) và cung cấp trải nghiệm khách hàng hoàn hảo (thông qua phản hồi tức thì và đáng tin cậy).
  • Liên kết: Sự kết nối giữa các bên liên quan trong chuỗi cung ứng 4.0 đã tạo ra một cấp độ hợp tác mới. Đây được xem như một nền tảng chung giữa khách hàng, công ty và các nhà cung cấp, qua đó góp phần cung cấp cơ sở hạ tầng hậu cần chung hoặc thậm chí là các giải pháp lập kế hoạch chung và gia tăng được năng suất cung ứng chung trên toàn bộ chuỗi giá trị của mình.
  • Chiến lược chuỗi cung ứng: Việc áp dụng các công nghệ có thể giúp chiến lược chuỗi cung ứng của doanh nghiệp trở nên linh hoạt, có thể phân tách thành các phân khúc nhỏ và đưa ra các chiến lược, sản phẩm & dịch vụ phù hợp. Việc này có thể cung cấp giá trị tối ưu cho khách hàng và giảm thiểu chi phí và tồn kho trong doanh nghiệp.

Tiềm năng chuỗi cung ứng 4.0

Các doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng đang đứng trước tiềm năng lớn khi áp dụng chuỗi cung ứng 4.0 khi giảm thiểu 30% chi phí vận hành, giảm 75% doanh số bán hàng bị mất do các yếu tố chuỗi cung ứng, và đồng thời giảm số lượng hàng tồn kho tại doanh nghiệp lên đến 75%; ngoài ra chuỗi cung ứng 4.0 còn gia tăng sự linh hoạt, khả năng đáp ứng sự thay đổi trong những thời điểm nhạy cảm (1) (Ví dụ: đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, khan hàng nguyên vật liệu đầu vào, đầu ra, vv…).

Có thể nói, việc công nghệ được áp dụng hiệu quả vào chuỗi cung ứng hiện nay là một trong những giải pháp tối ưu giúp các chủ thể trong ngành hàng tiêu dùng được trang bị những nền tảng tốt hơn để gia tăng lợi thế cạnh tranh, tiến lên phía trước và thích ứng với ngành nghề liên tục thay đổi, biến động không ngừng.

Đăng nhập to leave a comment
Số hóa dữ liệu là gì? Các bước số hóa dữ liệu trong doanh nghiệp.